Cần mạnh tay xử lý hành vi lệch lạc của KOLs trên không gian mạng
Sau nhiều động thái tích cực của nhiều bộ, ngành, những ứng xử xấu xí, đặc biệt là ứng xử thiếu văn minh của người nổi tiếng, (KOLs) và nghệ sĩ trên không gian mạng vẫn đang là vấn đề nhức nhối. 1. Dù đã ban hành một số văn bản liên quan đến văn hoá ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng (KOLs) nhưng vẫn phải chứng kiến nhiều ứng xử thiếu văn hóa, lệch chuẩn trên không gian mạng bởi các lý do sau: – Việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật và trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đến từ việc cạnh tranh quyết liệt của thị trường giải trí dẫn đến việc các nghệ sĩ, KOLs tìm mọi cách, mọi chiêu trò để có chỗ đứng tốt hơn trong thị trường. Sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với rất nhiều điều mới mẻ, không lường trước được, cũng khiến cho không chỉ chúng ta, mà còn nhiều nước trên thế giới, bị động trước ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới, nhất là các mạng xã hội. – Như Tiktok, giờ đây, nhiều nước đang tìm cách thích nghi, ứng phó với tác động tiêu cực từ mạng xã hội này. Mà nghệ thuật lại rất quan trọng đối với xã hội. Những gì chúng ta nghe, đọc, xem không chỉ để phục vụ giải trí mà còn ảnh hưởng đến tâm trí, nhận thức và tính cách, hành vi của mỗi người. Một môi trường nghệ thuật tiêu cực, tệ hại ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội chung. – Nhiều người tự cho mình quyền tự do phán xét, bình phẩm người khác mà ít chịu trách nhiệm về những phát ngôn, chia sẻ của mình. Mạng xã hội là thứ mà chúng ta chưa có kinh nghiệm, chỉ có thể vừa trải nghiệm, vừa đưa ra giải pháp ứng phó. – Giờ đây Việt Nam không chỉ đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống, mà đang phải đối phó với cả những thách thức văn hóa phi truyền thống. Những hành vi lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, tung tin đồn nhảm, xúc phạm người khác một cách công khai, quảng cáo sai sự thật, trục lợi… là những biểu hiện cụ thể như thế. Vì vậy, tăng cường những biện pháp xử lý ngay, từ sớm để những biến tướng tệ hại này không trở thành mầm mống làm băng hoại những nền tảng đạo đức của xã hội là một điều hết sức cần thiết.
2. Biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước đối với KOLs trên không gian mạng:
– Trước hết cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tác hại của việc phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp trên không gian mạng, nhất là đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng. Điều này có tác dụng rất lớn đến việc hình thành các hành vi phù hợp hơn của người sử dụng mạng xã hội.
– Cần tuyên truyền rộng rãi để mọi người cùng biết và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cũng rất cần thiết để có hành lang pháp lý và chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Hoạt động truyền thông lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, giúp tăng sự tử tế và nâng cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ tạo tấm gương tốt cho xã hội.
– Chúng ta cần có nhiều lớp “tường lửa” mà bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hay đối với những người hoạt động nghệ thuật chỉ là một trong số đó. Chúng ta còn cần nhiều hơn các biện pháp khác nhau mới có thể giúp làm trong lành bầu không khí nghệ thuật, trên không gian mạng và ở ngoài xã hội được.
– Cần thiết phải ban hành các văn bản để chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục của các nghệ sĩ và các KOLs. Như đã biết, chúng ta đang nỗ lực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để hướng con người đến chân – thiện – mỹ. Nghệ sĩ và các KOLs là những người nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, vì vậy, họ có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, lối sống và cả định hướng phát triển đạo đức của công chúng.
– Thời gian vừa qua, dù chúng ta đã có nhiều hành động cụ thể như ban hành các bộ quy tắc ứng xử, tăng cường công tác truyền thông, kể cả xử phạt làm gương, nhưng hoạt động vi phạm đạo đức cộng đồng, thuần phong mỹ tục, thậm chí cả luật pháp vẫn có nhiều diễn biến tiêu cực. Vì thế, chấn chỉnh hoạt động của họ góp phần vào việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa của xã hội, đồng thời có ích cho việc định hướng phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi cá nhân.
– Nghệ sĩ có một thân phận đặc biệt. Họ vừa là người của công chúng, vừa là một công dân bình thường. Là người của công chúng, có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thị hiếu, lối sống của công chúng, họ luôn được/bị nhìn nhận bằng một con mắt khắt khe để luôn cố gắng trở thành hình mẫu tốt, tấm gương sáng cho nhiều người. Là người bình thường, họ cũng có quyền được có những thói quen, thị hiếu, cách sống, kể cả những thói tật như người bình thường khác. Tuy nhiên, ở bối cảnh nước ta khi người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ và văn hóa nghệ thuật là một mặt trận tư tưởng hết sức quan trọng, nghệ sĩ cần phải đảm trách trách nhiệm đạo đức. Đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự của họ.
– Trong cuộc sống, bên cạnh pháp luật còn có đạo đức. Đạo đức thường rộng lớn hơn pháp luật nên có những vi phạm đạo đức lại không có trong chế tài pháp luật. Những lời nói không phù hợp, chia sẻ thiếu trách nhiệm đôi khi không bị xử phạt, nhưng tác hại vô cùng lớn, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và sự hình thành nhân cách của cá nhân. Vì thế, đối với nghệ sĩ, do thân phận đặc biệt, cần có những chế tài đặc biệt.
– Chúng ta không phản đối việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo vì đây là một hoạt động phù hợp với kinh tế thị trường, ở đó, các nhãn hàng cần có người có khả năng thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm của mình, và nghệ sĩ, người nổi tiếng chính là những người phù hợp nhất. Nhờ có quảng cáo, họ cũng có được một khoản thu nhập nhất định, từ đó, có đời sống kinh tế ổn định, tốt hơn. Thậm chí, với nhiều nghệ sĩ, quảng cáo đã trở thành nguồn thu nhập chính. Điều này giúp ích rất nhiều cho họ trong cuộc sống. Cái lên án chủ yếu là đối với những quảng cáo sai sự thật, đặc biệt liên quan đến thuốc chữa bệnh hay thực phẩm chức năng.
– Muốn đạt được mục đích này, chúng ta cần tăng cường nhận thức của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là của nghệ sĩ, người nổi tiếng và bên quảng cáo sản phẩm để họ không muốn, không thể quảng cáo sai sản phẩm, tôn trọng và có trách nhiệm đối với hình ảnh và sản phẩm của mình. Bên cạnh đó là xây dựng hành lang pháp lý, xử phạt nghiêm minh, hình thành nên những bài học làm gương, từ đó tạo môi trường lành mạnh nhất cho quảng cáo./.
(Ảnh minh họa)