Dù chúng ta chọn cách kiểm soát con trên Internet như thế nào, cách tốt nhất vẫn là hướng dẫn cho con các kỹ năng an toàn, xây dựng một mối quan hệ thân thiết với con cái.
( Ảnh minh họa )
Con học thế nào, một ngày đến trường ra sao, ăn uống có tốt không… là những nỗi lo muôn thuở của các bậc phụ huynh. Để biết được tình hình con thế nào, nhiều cha mẹ trang bị cho con một chiếc điện thoại. Điện thoại một mặt giúp con có thể kết nối liên lạc với cha mẹ, bạn bè, nhưng mặt khác cũng mang đến phiền toái, và cả những nguy cơ.
Bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội, nguy cơ tiềm ẩn cũng rất nhiều. Có không ít các vụ bắt nạt trực tuyến, lừa đảo, buôn bán người qua mạng xã hội, trong đó nạn nhân là các trẻ em gái. Những vụ xô xát giữa học sinh THCS, thậm chí gây ra án mạng có nguyên nhân bắt đầu từ những bình luận trên mạng xã hội. Những vụ xâm hại xuất phát từ các mối quen biết trên mạng.
Nguy hại hơn nữa, những nội dung phản cảm trên mạng xã hội đang từng ngày từng giờ tác động tới nhận thức của các em. Những thử thách nguy hiểm nhưng các em hào hứng làm theo. Những clip phản cảm, g.ợ.i d.ụ.c, với những cạm bẫy lợi dụng q.u.ấy rối, x.âm h.ại t.ình d.ục. Những nội dung xấu tác động trong một khoảng thời gian đủ dài, đủ lâu dẫn đến những nhận thức, hành vi và cảm xúc lệch lạc.
Trong số các cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 vào năm 2018, có 25% là cuộc gọi từ trẻ em, xoay quanh nội dung tư vấn về quan hệ ứng xử, xâm hại bạo lực, trợ giúp pháp lý, sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý, sức khỏe sinh sản…, có cả những cuộc gọi cầu cứu của con trẻ.
Có rất nhiều cuộc điện thoại cầu cứu ám ảnh. Thông qua việc làm quen, kết bạn trên mạng xã hội, các đối tượng có những thủ đoạn rất tinh vi, nhân danh tình yêu để dụ dỗ, gạ gẫm trẻ gửi hình ảnh nhạy cảm của mình, sau đó lưu lại để đe doạ buộc trẻ quan hệ t.ình d.ục hoặc đăng những hình ảnh, clip, tin nhắn này lên các trang web đen. Trẻ cũng gặp nhiều nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến, gây tổn thương về tinh thần, sa vào các trạng thái cảm xúc tiêu cực. Những vấn đề đó lại ít được trẻ chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, do sợ bị mắng, bị mất mặt, bị can thiệp thô bạo…
“Các em có sử dụng Tiktok, xu hướng đi theo các trend, mặc những bộ quần áo không được kín đáo. Một số đối tượng sẽ tải xuống những video này và đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Khi vào những trang này, các em thấy hình ảnh của mình được đăng tải công khai, các em lo lắng và gọi điện tới tổng đài để xin trợ giúp”, chị Nguyễn Thị Thủy – Cán bộ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 – cho biết.
Mạng ảo nhưng sinh ra những mối nguy có thật. Tiếp xúc với những clip nhảm, phản khoa học, các em nhỏ chưa đủ bộ lọc để phân biệt được thật giả, đúng sai, thậm chí bắt chước làm theo gây ra những nguy hiểm cho tính mạng bản thân và người khác.