‘Thuần phong mỹ tục’ – Gánh nặng mơ hồ và chuyện gác đền đạo đức
Xác định thế nào là “thuần phong mỹ tục”, rồi xác định “trái với thuần phong mỹ tục” không hề đơn giản.
Trong Luật quảng cáo và văn bản hướng dẫn thi hành Luật quảng cáo không ghi rõ nội hàm văn hóa này. Trong văn bản chi tiết nhất, tức thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cũng không một giải thích nào về “thuần phong mỹ tục”.
Việc chưa thể xác định nội hàm rất có thể sẽ dẫn tới những suy diễn mang tính chủ quan, thậm chí áp đặt hơn là có quy định hoặc thậm chí xử phạt rõ ràng. Nhưng một khi đã đối diện với luật pháp, trong mọi trường hợp, người dân, doanh nghiệp được quyền suy đoán vô tội chứ không phải là suy diễn có tội.
Do vậy, trong nhiều trường hợp, nếu hình ảnh hoặc từ ngữ có tính mơ hồ, hay “gợi tả những điều xúc phạm”, cũng không đơn giản nếu muốn cấm cản hoặc dùng luật để “khuôn” hành vi sai – đúng.
VẠCH RA CÁC LỀ CHUẨN MỰC?
Những ví dụ này, nhìn rộng hơn nữa, không chỉ xoay quanh việc xử phạt hay nhắc nhở một vụ việc mà nó liên quan tới cách thức quản lý văn hóa. Quả đúng, phát ngôn “trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam” không xuất hiện chỉ một lần, trong trường hợp nhất định, mà nó đã thường được nhắc tới và thể hiện một quan điểm, một tư tưởng quản lý.
Chúng ta sẽ cùng thảo luận tiếp về những khó khăn trong khi chưa có một nội hàm rõ ràng mà cách quản lý dường như lại đang muốn “khuôn” hành vi văn hóa vào các lề chuẩn mực này.
Phải nói ngay rằng nỗ lực áp đặt suy nghĩ của giới quản lý vào việc đưa ra các quy định trong ứng xử văn hóa là mong muốn của nhiều chính quyền, mà không chỉ hiện nay mới có.
Từ trong lịch sử, đã có hàng loạt quy ước, quy định nhằm “khuôn” con người vào những khuôn mẫu, chuẩn mực nhất định, thậm chí ra luật. Chẳng hạn, sử gia Tạ Chí Đại Trường (1) đã chỉ ra, từ thời Trần, nhà nước cấm các hình thức hôn nhân anh em chồng ở một số tộc người thiểu số (khi một người đàn ông không may chết, dòng tộc sẽ thảo luận và tìm ra một người anh/em có trách nhiệm lấy người vợ góa và chăm sóc các con của anh/em mình) vì tục đó trái với quan điểm thông thường, với thuần phong mỹ tục, luân thường (của người Kinh).
Và điều thú vị là luật cấm này hiện nay vẫn được thể hiện trong Luật hôn nhân và gia đình mặc dù các khảo tả, phân tích dân tộc học về bản chất của hình thức hôn nhân này vẫn rất hiếm hoi và hầu như ít ai biết trên thực tế thì những người bản địa nghĩ gì về hình thức hôn nhân này, cảm nhận ra sao về tính nhân văn/hoặc tính ép buộc của nó. Báo chí phần lớn chỉ mô tả phong tục này như một hủ tục lạc hậu cưỡng ép người phụ nữ yếu thế, gây ra nhiều hệ lụy và xâm phạm đạo đức chuẩn mực của xã hội (của người Kinh phổ biến).
Câu chuyện vừa dẫn ra cho thấy phong tục, luật tục trên đất nước này rất khác nhau, với những quan điểm, niềm tin về tính nhân văn thậm chí là đối lập. Các phong tục tập quán, truyền thống, chuẩn mực văn hóa của một quốc gia đa vùng miền, đa tộc người, đa văn hóa chưa bao giờ là một khối thống nhất ngay tại một thời điểm hoặc một không gian.
Có những ứng xử văn hóa được chấp nhận là quy tắc ở nền văn hóa này, hoặc thậm chí ở một thời điểm này, của một nhóm sẽ khó lòng được chấp nhận ở nền văn hóa khác. Thậm chí, mỗi nền văn hóa cũng luôn chứa đựng trong nó sự đa dạng, tới mức nhóm “tinh hoa” và nhóm “bình dân”, các độ tuổi cũng sẽ có ứng xử khác nhau.
Do vậy, “khuôn” tất cả vào một khái niệm “thuần phong mỹ tục” và đòi hỏi xử phạt hoặc phê phán sao cho đúng sẽ là làm khó cho ngành văn hóa, sẽ đòi hỏi người làm ngành này luôn phải suy diễn, hoặc cầm một sợi chỉ đỏ căng sẵn, ai vượt ra ngoài những chuẩn mực, khuôn mẫu nhất định là sẽ bị phê, bắt lùi vào.
Trong khi đó, văn hóa không phải là những vạch ngăn, mà là biến đổi liên tục, sẽ không có các mô thức ứng xử giống hệt nhau. Văn hóa, thực chất chính là chấp nhận sự mâu thuẫn, đa dạng.
Thậm chí ngay cả cái chúng ta gọi là “chuẩn mực đạo đức” cũng dần thay đổi. Song song với việc hình thành các chuẩn mực, cũng có sự hình thành các vùng chuẩn lề và lệch chuẩn, để rồi sau này thiết lập các chuẩn mực, ứng xử mới. Không có chuẩn mực nào là vĩnh viễn (2).
Không phải chỉ các lý luận phương Tây nói về điều này, tính “vượt gộp” tiếp thu cái mới và nới rộng, thay đổi cái cũ đã được GS Phan Ngọc đưa ra thành nguyên lý. Ông cũng cho rằng truyền thống văn hóa Việt Nam là truyền thống “vượt gộp” (3). Nào mấy ai ở thời hiện tại còn cho rằng phụ nữ phải tam tòng? Trong khi chỉ mới đầu thế kỷ trước, người phụ nữ còn được “tiết hạnh khả phong” cho đức hạnh của mình. Những khẩu hiệu tự do ngày càng được phụ nữ hưởng ứng. Và thú vị thay, những quảng cáo ủng hộ, tôn trọng sự tự do của nữ giới đang ngày càng ăn khách.
ỨNG XỬ THẾ NÀO TRONG BIẾN CHUYỂN XÃ HỘI?
Xã hội Việt Nam đang chuyển đổi, giới quản lý văn hóa đang phải đối mặt với những sự biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ về chuẩn mực văn hóa. Có những yếu tố mang tính lâu dài như khuôn mẫu gia đình, họ hàng, đạo đức cá nhân… vẫn là mẫu số ít thay đổi, nhưng đồng thời, hàng loạt các quan hệ tương tác mới, các hình thức biểu đạt văn hóa mới xuất hiện. Vậy ứng xử thế nào?
Việc ngành văn hóa cố gắng “khuôn” các hành vi con người theo các chuẩn mực của thuần phong mỹ tục không chỉ thể hiện ý chí của riêng người quản lý, mà cũng thể hiện, phản ánh mong muốn (và kéo theo đó là tranh cãi) trong xã hội về việc duy trì các nề nếp được coi là chuẩn mực.
Những người làm quản lý văn hóa, cũng như tâm lý xã hội, đang ở trong một thế mâu thuẫn: giữa giữ chuẩn và mở chuẩn, giữa hồ hởi với cái mới và lo sợ mất cái cũ. Nhưng cách tốt nhất để bắt đầu, để có cách thức ứng xử với những biểu hiện đa dạng và mới mẻ có lẽ là tìm cách nghiên cứu, hiểu và tôn trọng quy luật biến đổi, đa dạng ấy.
Một phần của việc đó, là đã đến lúc phải bắt đầu nghiêm túc thảo luận về hàm nghĩa của cụm từ “thuần phong mỹ tục” trong các văn bản luật pháp, hành chính. Nếu coi đó là một nội hàm trong các văn bản pháp luật thì hiển nhiên phải xác định rất tường minh, để tránh rắc rối cho chính doanh nghiệp, người dân, đồng thời tránh khó xử cho các cơ quan thừa hành. Còn nếu nó vẫn tiếp tục mơ hồ, có thể sẽ được suy diễn điều chỉnh, khi thì quá rộng rãi, khi thì bóp quá chặt.
Nếu coi đó là nội hàm thuộc về chuẩn mực xã hội, hãy để nó được công chúng điều chỉnh bằng chính các chuẩn mực xã hội. Giả sử, doanh nghiệp hoặc bất kỳ ai đó có hành động tồi, vô văn hóa, sẽ hứng chịu sự phản ứng dữ dội của công luận. Hành vi đó xứng đáng chịu sức ép công luận chứ không nên bị trói bởi sợi dây thừng của luật pháp.
Về lâu dài, nếu vẫn tùy biến sử dụng khái niệm này như một diễn ngôn thường xuyên, cũng mang tính nước đôi (khi rộng, khi chặt) thì không khó khăn gì nhận ra và thấy trước là rồi nó cũng sẽ vấp phải cách ứng xử văn hóa nước đôi và linh hoạt như nước của công luận. Mà cái đó thì nào ai ngăn được?
Tốt nhất là quản lý bằng luật, với một cách diễn giải rõ ràng, sáng tỏ, không thể suy diễn. Trong đó, văn hóa và quyền biểu đạt một cách đa dạng phải được tôn trọng. Và quản lý văn hóa phức tạp và khó khăn hơn là ngồi vạch ra các lề chuẩn mực, cũng như nỗ lực giữ hành vi văn hóa chạy trên một đường ray là vô cùng thách thức. Gác đền tư tưởng, đạo đức chưa bao giờ dễ dàng trong bối cảnh chuyển đổi.
(Ảnh minh họa)